Món ăn có nguyên liệu chính là đỗ tương được trồng trên các nương đồi. Đến mùa thu hoạch, đỗ tương được phơi khô rồi đem ngâm 6 tiếng cho nở rồi cho vào cối đá để nghiền mịn. Người Mông chuẩn bị nguyên liệu tiếp theo lá chua (lá thốm lồm) đem nấu nước cho ra chất chua rồi để nguội.
Món tẩu chua của người Mông Hùng Lợi, Yên Sơn.
Bước tiếp theo đổ nước vào bột đỗ rồi cho lửa nhỏ đun đến khi sôi lăn tăn và thả rau cải nương vào. Sau đó hòa cùng hỗn hợp nước chua. Đây là một công đoạn quan trọng quyết định sự thành bại của món ăn. Người làm phải tính toán cho lượng nước vừa đủ để bột đỗ kết tủa, tỏa ra hương thơm thoang thoảng nhẹ nhàng.
Sau vài tiếng, món đậu chua kết tủa lại làm thức ăn và để được 2 - 3 ngày. Món đậu chua có thể làm canh hoặc đậu khô và được đồng bào ưa dùng với mèn mén hoặc ăn cùng với cơm nóng. Thưởng thức món đậu chua của người Mông ở Hùng Lợi, thực khách sẽ thấy món ăn hấp dẫn bởi nguyên liệu độc đáo và vị giác như được “đánh thức” bởi sự thơm bùi của đỗ tương lên men, vị ngon của cải xanh, vị chua nhẹ, thanh mát của nước sốt. Hiện nay, các hộ gia đình người Mông ở Khuổi Ma, Nà Mộ vẫn thường làm món này để ăn hàng ngày.
Theo TQĐT